Thị trường chứng khoán đột ngột phục hồi mạnh mẽ rồi lại đảo chiều nhanh chóng khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Giới phân tích thì cho rằng rất khó xác định được đường đi của Vn-Diễn Đàn vào lúc này.
Sau một thời gian khá dài trong xu thế mất điểm, ngày 7/8, thị trường bất ngờ tăng trở lại và bứt phá ngoạn mục hai phiên liên tiếp khiến tâm lý nhà đầu tư như được giải tỏa. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài bao lâu bởi phiên giao dịch cuối cùng của tuần, chỉ số Vn-Diễn Đàn bắt đầu sụt giảm. Khi đó, những người lạc quan cho rằng, phiên mất điểm này có thể được xem là "bước đệm" điều chỉnh để chuẩn bị cho một đợt tăng giá mới của Vn-Diễn Đàn.
Tuy nhiên, phiên giao dịch sáng nay, Vn-Diễn Đàn tiếp tục lao dốc và trở về gần ngưỡng 900 điểm. Trước diễn biến quá nhanh chóng này, ông Lê Bá Hoàng Quang, thạc sĩ chuyên ngành chứng khoán trường Đại học Monash, Australia cho rằng, thị trường chứng khoán hiện nay luôn luôn biến động ngoài dự đoán, nếu lên cũng lên cao hơn kỳ vọng và nếu có xuống thì cũng xuống thấp hơn so với dự báo.
"Ở thời điểm này rất khó có thể đưa ra những dự đoán chính xác về đường đi của Vn-Diễn Đàn, theo tôi, vẫn chưa có một xu hướng rõ ràng nào được xác định cả", ông Quang nhấn mạnh. Theo ông, nếu thị trường tăng hoặc giảm liên tục 5-7 phiên thì mới có thể xác định được xu thế của thị trường.
Trong khi đó, những người mạnh dạn đưa ra các con số thì cũng rất dè dặt và không dám kỳ vọng nhiều. Bà Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện ngân hàng dự đoán, từ nay tới cuối năm, Vn-Diễn Đàn có thể sẽ dao động trong khoảng trên dưới 900 điểm.
Theo bà có nhiều yếu tố khiến thị trường chứng khoán VN khó bật lên mạnh mẽ như hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Hiện tại, hầu hết các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có quy mô vừa và nhỏ, các công ty có khả năng chi phối mạnh nền kinh tế chưa hề xuất hiện trên thị trường chứng khoán.
Thêm vào đó, theo bà Ngọc không khí đầu tư hiện nay kém sôi động so với giai đoạn cuối năm ngoái đầu năm nay. Thời điểm cuối năm ngoái, giá chứng khoán tăng mạnh mẽ bởi vì khi đó có rất nhiều sự kiện như VN gia nhập WTO, tổ chức thành công hội nghị APEC... Các sự kiện này đã khiến cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất lạc quan về tình hình kinh tế của VN, hình thành một tâm lý "over expectation" (lạc quan quá mức).
Tuy nhiên sau một thời gian VN tiếp cận với các điều khoản cam kết trong WTO, các vấn đề khó khăn liên quan tới kinh tế VN bắt đầu nảy sinh. Gần như trùng với thời điểm này, một số tổ chức nước ngoài cũng công bố các báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh, trong đó nhiều chỉ số của nền kinh tế VN được đánh giá không mấy lạc quan. Nhà đầu tư nước ngoài, dù cũng đã dự đoán trước được vấn đề này vẫn ít nhiều bị tác động tâm lý. Do vậy, bà Ngọc cho rằng, yếu tố "lạc quan quá mức" giờ đây đã không còn như thời điểm cuối năm 2006 để có thể tạo ra đột biến trên thị trường.
Chia sẻ các quan điểm trên, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nếu như trước đây, các nhà quản lý của VN vẫn còn rất rón rén trong việc đưa ra các biện pháp hành chính đối với thị trường chứng khoán thì giờ đây cũng đã bắt đầu thực hiện thông qua việc ban hành Chỉ thị 03 giới hạn cho vay chứng khoán và Quy định 1441 về tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Chính vì vậy, "cầu" sẽ không thể bùng phát như thời điểm cuối năm ngoái đầu năm nay để tạo sức bật cho thị trường.
Ngoài ra theo ông Thành, hiện nay môi trường vĩ mô cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của VN chỉ tăng khoảng 19% trong khi nhập khẩu lên tới 30%. Trong khi đó, áp lực lạm phát cũng đang gia tăng. Hiện tại, lạm phát đã vượt qua 6% và từ nay tới cuối năm các yếu tố để dẫn tới tăng giá vẫn còn.
Tuy nhiên, những người lạc quan hơn lại cho rằng, tới đây thị trường có rất nhiều yếu tố hậu thuẫn để phát triển ổn định, bền vững. Theo các chuyên gia Công ty chứng khoán Bảo Việt, hiện nay một lượng vốn tiết kiệm lớn vẫn còn tồn tại trong dân chúng, chưa được đưa vào kinh doanh. Tính đến ngày 29/6, lượng tài khoản mở tại các công ty chứng khoán đạt hơn 240.000, trong đó có trên 5.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với dân số VN.
Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng trở nên kém hấp dẫn cũng như tính thanh khoản không cao của thị trường bất động sản khi đã phát triển quá nóng là nhân tố khiến dòng chảy vốn dịch chuyển sang chứng khoán một khi thị trường có dấu hiệu tốt.
Ngoài ra, các biện pháp tích cực của Chính phủ về phát triển thị trường chứng khoán cùng với trình độ nhận thức của nhà đầu tư gia tăng đáng kể cũng sẽ giúp thị trường sôi động hơn trong thời gian tới.
Nhà đầu tư nuôi hy vọng
Với 7 năm kinh nghiệm tham gia thị trường chứng khoán, anh Dũng, nhà đầu tư tại sàn Habubank (Hà Nội) cho rằng, theo chu kỳ thường thấy trên các thị trường chứng khoán thế giới thì sau khi thị trường đi xuống sẽ có giai đoạn ổn định và tăng trưởng trở lại.
Thông thường vào quý III và quý IV, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc và làm ăn có lãi vào thời điểm này. Thêm vào đó, vào khoảng nửa đầu tháng 8, một số quỹ nước ngoài sẽ giải ngân nên luồng tiền đổ vào thị trường chứng khoán sẽ nhiều hơn. Chính vì vậy, anh Dũng cho rằng, Vn-Diễn Đàn sẽ vượt qua thời kỳ ảm đạm và trở về ngưỡng trên 1.000 điểm.
Đồng tình với quan điểm này, anh Khánh - một nhà đầu tư khác trên sàn Habubank nhận định, những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 10, 11, 12 là thời điểm kiều hối về nhiều nên lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán chắc chắn cũng sẽ tăng lên. Các khoản lương, thưởng cũng thường tập trung vào thời gian này nên nhà đầu tư sẽ rủng rỉnh tiền hơn.
Tuy vậy, các nhà đầu tư cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó dự đoán như hiện nay, mọi quyết định mua bán đều phải rất cẩn trọng. Anh Tuấn, nhà đầu tư sàn Thăng Long cho biết sẽ thu nhỏ lại danh mục đầu tư và thực hiện nguyên tắc không "bỏ trứng vào một giỏ" như trước đây để tránh những rủi ro đáng tiếc.