Việt Nam nằm trong số 64 nước, nền
kinh tế trên thế giới được Tổ chức thông tin kinh tế (EIU) đánh giá có
sức cạnh tranh nhất về công nghiệp CNTT. Đó được coi là một dấu hiệu
tích cực với Việt Nam.
Theo EIU thì thế mạnh của Việt Nam chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ người Việt Nam đang làm việc trong ngành CNTT&TT ở nước ngoài cùng với sự quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng thông tin. Tổ chức EIU cũng đánh giá, Việt Nam là một "ngôi sao đang lên của ngày mai”, cùng với các nước như: Malaysia, Brazin, Nga, Ba Lan, Hungary.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong 2 nhóm tiêu chí là hạ tầng và môi
trường nghiên cứu phát triển thì điểm số của Việt Nam (cũng như nhiều
nước đang phát triển) rất thấp, gần như bằng không.
Bộ Thông tin Truyền thông đã có báo cáo giải thích rằng: Chỉ số cạnh tranh trong ngành công nghiệp CNTT với GDP trên đầu người có liên quan rất chặt
chẽ.
Nhìn chung, những nước có GDP trên đầu người càng cao thì vị trí chỉ số cạnh tranh công nghiệp CNTT cũng càng cao. Khi so sánh Việt Nam với các nước cho thấy độ chênh lệch GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều so với mức độ chênh lệch chỉ số cạnh tranh công nghiệp CNTT.
Cụ thể, trong số 64 nước, nền kinh tế có 22 nước, nền kinh tế có GDP bình quân gấp từ 8 đến 15 lần Việt Nam, trên 30 nước có GDP bình quân đầu người gấp từ 2 đến 7 lần Việt Nam. Có thể thấy, mặc dù khoảng cách về trình độ phát triển nói chung còn xa nhưng Việt Nam có cố gắng lớn trong việc rút ngắn khoảng cách về các chỉ số liên quan tới BCVT, CNTT.
Mặc dù vậy, Bộ Thông tin truyền thông cũng cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT phát triển mạnh hơn.
Bộ Thông tin Truyền thông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các vấn đề lớn như: Chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010 theo tinh thần đổi mới tư duy, không thiết lập một "siêu đề án" theo kiểu Đề án 112 mà hướng trao quyền chủ động và trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu các cơ quan nhà nước; Cơ chế đòn bẩy kinh tế - chủ yếu bằng chính sách thuế và tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển; Phối hợp các Bộ liên quan để có một Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT hiệu quả; Vấn đề về Sở hữu trí tuệ...