Có mặt ở Huế đã 14 năm nay, ông Michio Koyama chỉ có một mong muốn duy nhất là
giúp đỡ các trẻ em đường phố, các em bị khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam để
các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống mà bất cứ trẻ em náo cũng
đáng được hưởng.
Ông Michio Koyama từng là một giáo viên của Đại học
Tokyo trong suốt
23 năm. Trước năm 1975, ông cũng từng tham gia vào phong trào xuống đường của
sinh viên Nhật Bản để phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1992,
tình cờ một lần đi du lịch ở miền Trung Việt Nam, bắt gặp
nhiều em nhỏ lang thang cơ nhỡ, những em phải gánh chịu hậu quả của chiến
tranh... ông đã mơ ước sẽ làm được một cái gì đó cho các em. Năm 1993, ông trở
lại Việt Nam rồi đến Huế, và quyết tâm bắt tay
thực hiện nỗi canh cánh trong lòng mình.
Trước tiên, ông tham gia giảng dạy tiếng Nhật tại
trường Đại học sư phạm Huế, rồi xin chính quyền thành phố cấp cho một mảnh đất
nhỏ để xây trường. Được cấp một miếng đất ở đường Nguyễn Trãi (phường Tây Lộc),
ông đã dùng số tiền riêng của mình tích cóp sau 23 năm dạy học và một ít do bạn
bè quyên góp để xây nên 6 căn phòng đầu tiên của Nhà trẻ em mồ côi với trị giá
20.000 USD cùng với 20 em nhỏ đầu tiên mà ông tìm thấy ở gầm cầu, khu chợ...
Và đến nay, công trình ở số 37 Nguyễn Trãi này đã có quy mô lên đến 3 dãy
nhà với trị giá hơn 200.000 USD cùng 100
em nhỏ và khoảng 20 nhân viên làm công tác chăm sóc, chỉ bảo cho các em trong
học tập. Trong Nhà trẻ em đường phố này có phòng ăn, phòng ngủ, phòng y tế và cả
Trung tâm dạy nhgề cho các em.
Sau đó, cùng với nguồn hỗ trợ của tổ chức JICA (tổ chức
hợp tác quốc tế Nhật Bản), ông đã cho xây dựng trong Nhà trẻ em đường phố một
Trung tâm văn hoá có đầy đủ phòng nhạc, thư viện,lớp hoạ, lớp vi tính, lớp tiếng
Nhật và cả lớp tiếng Anh
Để có được nguồn
kinh phí lớn như vậy, mỗi năm ông Michio Koyama lại về nước 3 lần, tổ chức
khoảng 100 cuộc nói chuyện, trong đó dành ra khoảng 60 buổi cho các trường học
từ cấp I cho đến Đại học, 20 buổi trò chuyện với các doanh nghiệp đang có ý định
đầu tư tại Việt Nam và 20 buổi còn lại là những buổi thuyết trình cho những ai
quan tâm đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông cũng đã vận động thành lập và làm Chủ tịch Hội giúp đỡ
trẻ em đường phố Việt Nam ở Nhật (JASS), đồng thời cũng là Trưởng văn phòng đại
diện JASS tại Việt Nam (trụ sở chính đóng tại thành phố Huế). Hội hiện nay có
khoảng 1.400 hội viên là những nhà hảo tâm, những người Nhật nhận làm bố mẹ đỡ
đầu cho các em ở Nhà trẻ em đường phố.
Ngoài ra, mỗi năm tổ chức của ông cũng trung bình dành ra
40.000 USD để làm các suất quà, suất học bổng trao cho các học sinh, sinh viên ở
Huế.
Ông Michio Koyama cho biết: mỗi năm ông ở Việt
Nam đến 8 tháng. Công việc tuy rất
bận rộn, rất mệt, thời tiết, văn hoá, phong tục tập quán... ở đây cũng rất khác
với Nhật, khiến cho giai đoạn đầu mới đến nơi này rất khó hoà nhập. Nhưng cứ
nghĩ đến công việc của mình sẽ giúp được cho rất nhiều trẻ em là lại ông thấy
rất vui, và đó cũng là nguồn động lực để ông có thể vượt qua được mọi khó khăn,
trở ngại. Điều ông mong muốn nhất hiện nay, là khi ông về nước (khoảng 6 năm
nữa), những dự án vì trẻ em và Nhà trẻ em đường phố vẫn hoạt động
tốt...